Cold Chain Logistics Là Gì? Tìm Hiểu Chuỗi Cung Ứng Lạnh

Kiến Thức Xuất Nhập Khẩu Tác giả Kiến Thức Xuất Nhập Khẩu 18/10/2024 19 phút đọc

Cold Chain Logistics là gì? Nhu cầu vận chuyển hàng hóa nhạy cảm về nhiệt độ ngày càng tăng, đặc biệt trong các ngành thực phẩm, dược phẩm, và y tế, Cold Chain Logistics (Chuỗi cung ứng lạnh) đã trở thành một giải pháp không thể thiếu. Cùng Kiến thức xuất nhập khẩu tìm hiểu chi tiết về Cold Chain Logistics và tầm quan trọng của nó trong chuỗi cung ứng hiện đại qua bài viết sau đây.

1. Cold chain logistics là gì?

Cold chain logistics hay chuỗi cung ứng lạnh là một hệ thống vận chuyển và bảo quản hàng hóa trong điều kiện nhiệt độ được kiểm soát nhằm đảm bảo chất lượng và an toàn cho các sản phẩm nhạy cảm về nhiệt độ như thực phẩm, dược phẩm, và các sản phẩm y tế, thủy hải sản, hoa tươi đã cắt cành, hàng đông lạnh đã qua chế biến,....

Quá trình này đòi hỏi phải duy trì một mức nhiệt độ cố định trong suốt chuỗi cung ứng, từ khâu sản xuất, lưu kho, vận chuyển cho đến khi hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Chuỗi cung ứng lạnh giúp kéo dài thời gian bảo quản của sản phẩm, đảm bảo an toàn sức khỏe và giảm thiểu tổn thất do hàng hóa bị hư hỏng.

>> Xem thêm: Supply Chain Là Gì ? Những Điều Cần Biết Về Chuỗi Cung Ứng

Cold-Chain-Logistics-la-gi
 

2. Thành phần của chuỗi cung ứng lạnh (Cold chain logistics)

Chuỗi cung ứng lạnh không chỉ đơn thuần là việc bảo quản và vận chuyển hàng hóa, mà còn là một hệ thống gồm nhiều thành phần kết hợp với nhau nhằm đảm bảo hàng hóa duy trì chất lượng, an toàn, và độ tươi mới. Dưới đây là các thành phần chính của chuỗi cung ứng lạnh:

2.1 Thiết bị bảo quản lạnh

Hệ thống kho lạnh: Đây là các nhà kho chuyên dụng được thiết kế để duy trì nhiệt độ ổn định trong suốt quá trình lưu trữ hàng hóa tại các điểm Logistics quan trọng. Kho lạnh có thể điều chỉnh nhiệt độ theo từng loại sản phẩm khác nhau, từ đông lạnh đến làm mát. Việc bảo quản trong kho lạnh giúp đảm bảo hàng hóa như thực phẩm, dược phẩm không bị hư hỏng trước khi được vận chuyển.

Thiết bị bảo quản: Bao gồm các tủ đông, tủ lạnh công nghiệp, hệ thống làm mát... Những thiết bị này giúp duy trì nhiệt độ phù hợp cho các sản phẩm dễ hư hỏng, đặc biệt là các sản phẩm nhạy cảm với thay đổi nhiệt độ như vắc-xin, dược phẩm, thịt, hải sản.

Ví dụ:
+ Hải sản: cần nhiệt độ bảo quản: -18°C đến -30°C. Nhiệt độ thấp giúp giữ được độ tươi ngon và tránh sự phát triển của vi khuẩn.

+ Vắc-xin: cần bảo quản ở nhiệt độ: 2°C đến 8°C. Do Vắc-xin cần được bảo quản trong môi trường mát lạnh để giữ hiệu quả sinh học của chúng. Nếu vượt quá ngưỡng này, vắc-xin có thể mất tác dụng và gây nguy hiểm cho người sử dụng.

+ Hoa tươi: bảo quản từ 0°C đến 2°C. Nhiệt độ lạnh giúp duy trì độ tươi mới, kéo dài thời gian sử dụng và giữ cho hoa không bị héo nhanh.

+ Rau củ: bảo quản ở 0°C đến 5°C để tránh mất nước và hư hỏng. 

+ Trái cây: bảo quản 0°C đến 13°C (tùy loại trái cây).

2.2. Phương tiện vận chuyển lạnh

Phương tiện vận chuyển chuyên dụng trong Cold chain logistics bao gồm xe tải lạnh, tàu lạnh, container lạnh... được trang bị hệ thống điều hòa nhiệt độ để đảm bảo nhiệt độ bên trong luôn ở mức kiểm soát, phù hợp với từng loại hàng hóa.

Container lạnh: sử dụng chủ yếu trong vận chuyển đường dài và đường biển. giúp duy trì nhiệt độ ổn định trong suốt hành trình đến điểm giao nhận cuối cùng.

2.3. Kiểm soát nhiệt độ

Hệ thống giám sát nhiệt độ: được trang bị cảm biến nhiệt độ giúp theo dõi nhiệt độ hàng hóa trong thời gian thực, từ đó đảm bảo rằng nhiệt độ luôn được duy trì trong khoảng giới hạn cho phép.

Thiết bị cảnh báo: phát ra cảnh báo ngay lập tức nếu nhiệt độ vượt quá ngưỡng an toàn, giúp quản lý đưa ra hành động khắc phục kịp thời, tránh gây hư hỏng cho sản phẩm.

2.4. Công nghệ và thiết bị hỗ trợ

Cảm biến nhiệt độ: gắn trong các phương tiện vận chuyển hoặc kho lưu trữ để đo và ghi nhận nhiệt độ liên tục.

Các thiết bị GPS, RFID, và các phần mềm quản lý, doanh nghiệp có thể giám sát hành trình của hàng hóa trong suốt chuỗi cung ứng, từ kho đến điểm giao hàng cuối cùng. 

Hệ thống quản lý kho lạnh thông minh trong Cold chain logistics sẽ giảm thiểu sai sót và tăng cường hiệu quả vận hành.

2.5. Nhân sự chuyên trách

Nhân viên quản lý chuỗi cung ứng lạnh và đội ngũ kỹ thuật viên bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên các thiết bị và phương tiện chuyên dụng, đảm bảo hoạt động ổn định, tránh gây gián đoạn trong quá trình vận hành.

>> Bài viết xem nhiều: Học xuất nhập khẩu ở đâu tốt nhất Hà Nội và TPHCM

3. Vai trò của Cold Chain Logistics - chuỗi cung ứng lạnh

Trong quá trình vận chuyển đường dài, hàng hóa cần bảo quản lạnh có thể phải qua nhiều khâu xử lý và tiếp xúc với các môi trường khác nhau. Do đó, việc đảm bảo rằng những sản phẩm này không bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ ngoài phạm vi cho phép là rất quan trọng. Quản lý chuỗi cung ứng lạnh có những vai trò quan trọng sau:

Giảm thiểu thiệt hại do sản phẩm hư hỏng

Cold Chain Logistics giúp duy trì nhiệt độ ổn định, hạn chế hư hỏng cho các sản phẩm nhạy cảm như thực phẩm và dược phẩm, kéo dài vòng đời sản phẩm trong điều kiện an toàn, từ đó giảm thiểu tổn thất và tối ưu hóa lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Chuỗi lạnh có thể kéo dài thời gian bảo quản rau quả từ 2-3 ngày lên đến 7 ngày tại nhà và thời gian trưng bày tại cửa hàng từ 3 lên 7 ngày, giảm thiệt hại từ 60%-70%.

vai-tro-cua-Cold-Chain-Logistics
 

Tăng hiệu quả kinh doanh và giảm chi phí

Việc bảo quản sản phẩm đúng cách giúp doanh nghiệp tránh được những chi phí do hàng hóa hỏng hóc, đồng thời nâng cao hiệu quả vận hành và tiết kiệm chi phí. 

Hệ thống chuỗi cung ứng lạnh kết hợp với công nghệ thông tin giúp tối ưu hóa thời gian, chi phí và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Đây còn là yếu tố chiến lược trong xây dựng thương hiệu, giúp doanh nghiệp mở rộng thị phần, gia tăng lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro.

Đảm bảo chất lượng và an toàn cho người tiêu dùng

Cold Chain Logistics giúp các sản phẩm được bảo quản tốt hơn, đảm bảo sức khỏe và bảo vệ môi trường. Điều này không chỉ cải thiện chất lượng cuộc sống mà còn góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển theo hướng bền vững. Ví dụ vắc-xin đến tay người tiêu dùng với chất lượng cao, đảm bảo an toàn và sức khỏe.

Kéo dài thời gian bảo quản và sử dụng của hàng hóa

Việc duy trì nhiệt độ thích hợp kéo dài thời gian sử dụng của hàng hóa, giúp giảm thiểu lãng phí và tối ưu hóa việc phân phối sản phẩm.

>> Xem thêm: Mô hình chuỗi cung ứng là gì ? Vai trò quản lý chuỗi cung ứng như thế nào?

Lộ Trình Học Xuất Nhập Khẩu Cho Người Chưa Biết Gì?

4. Tiềm năng và thách thức của Cold Chain Logistics tại Việt Nam

Tại Việt Nam, chuỗi cung ứng lạnh đang ngày càng phát triển nhờ vào sự tăng trưởng của các ngành công nghiệp thực phẩm, dược phẩm, và nông nghiệp. Đặc biệt, với nhu cầu ngày càng cao về xuất khẩu nông sản, thủy sản và các sản phẩm dễ hỏng, các doanh nghiệp đã đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng kho lạnh và phương tiện vận chuyển có kiểm soát nhiệt độ.

Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, Việt Nam hiện có khoảng 48 hệ thống kho lạnh với tổng sức chứa khoảng 600.000 pallet. Các kho lạnh chủ yếu tập trung tại các vùng kinh tế trọng điểm như Đồng bằng sông Cửu Long (khoảng 35% tổng sức chứa), Đông Nam Bộ (40%), và một số tỉnh phía Bắc. Mặc dù con số này có sự tăng trưởng so với những năm trước, hệ thống kho lạnh hiện tại vẫn chỉ đáp ứng được 30-40% nhu cầu thị trường trong nước.

Về phương tiện vận chuyển, số lượng xe container lạnh tại Việt Nam đã đạt khoảng 1.200 chiếc. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng, để đáp ứng tốt hơn nhu cầu tăng trưởng, số lượng này cần được tăng thêm ít nhất 50% trong vòng 5 năm tới.

Sự phát triển mạnh mẽ của chuỗi cung ứng lạnh tại Việt Nam cũng được thúc đẩy bởi xuất khẩu thủy sản. Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới, với kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 8,5 tỷ USD vào năm 2021. Điều này đòi hỏi một hệ thống chuỗi lạnh mạnh mẽ để đảm bảo chất lượng sản phẩm trong suốt quá trình vận chuyển.

Thách thức của chuỗi cung ứng lạnh tại Việt Nam

Mặc dù (Cold chain logistics) chuỗi cung ứng lạnh của Việt Nam đang trên đà phát triển, nhưng vẫn còn nhiều thách thức như chi phí đầu tư cao, thiếu hụt cơ sở hạ tầng hiện đại, và hạn chế về công nghệ. Tuy nhiên, với sự thúc đẩy của các hiệp định thương mại tự do và xu hướng hội nhập quốc tế, chuỗi cung ứng lạnh tại Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng và cải thiện trong tương lai.

Thiếu hụt hệ thống kho lạnh: Hiện nay, hệ thống kho lạnh trên toàn quốc chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu, chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn bảo quản cho các sản phẩm như thủy hải sản. Ngoài ra, sự phân bố không đồng đều và sự khác biệt về trình độ công nghệ giữa các khu vực cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc duy trì chất lượng sản phẩm.

Hạn chế về phương tiện vận chuyển và công nghệ bốc xếp hàng lạnh: Các doanh nghiệp chủ yếu sử dụng xe container lạnh, tàu chở hàng có khoang lạnh, và đường hàng không để vận chuyển. Tuy nhiên, số lượng và chất lượng của những phương tiện này vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu vận chuyển hàng hóa lạnh an toàn và hiệu quả.

Hạ tầng công nghệ thông tin còn hạn chế: Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong Cold chain logistics còn yếu kém. Nhiều trang web của các doanh nghiệp logistics chủ yếu cung cấp thông tin dịch vụ mà thiếu các tiện ích quan trọng như theo dõi đơn hàng và giám sát quá trình vận chuyển, gây khó khăn trong việc kiểm soát hàng hóa trong chuỗi cung ứng lạnh.

Cold Chain Logistics đóng vai trò then chốt trong việc bảo quản và vận chuyển các sản phẩm nhạy cảm với nhiệt độ. Việc áp dụng chuỗi cung ứng lạnh không chỉ đảm bảo chất lượng và an toàn cho người tiêu dùng, mà còn giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí và tăng cường hiệu quả kinh doanh. Hy vọng bài viết trên Kiến thức xuất nhập khẩu đã cung cấp những thông tin hữu ích tới bạn về Chuỗi cung ứng lạnh Cold Chain Logistics.

Nếu bạn muốn nâng cao kiến thức về xuất nhập khẩu thực tế và cần tư vấn về trung tâm đào tạo xuất nhập khẩu thực tế hãy để lại bình luận bên dưới, chúng tôi rất sẵn lòng giải đáp.
 

Bài viết trước Thuế Chống Bán Phá Giá Là Gì? Tác Động Đến Xuất Nhập Khẩu

Thuế Chống Bán Phá Giá Là Gì? Tác Động Đến Xuất Nhập Khẩu

Viết bình luận
Thêm bình luận

Bài viết liên quan

Thông báo