Những Rủi Ro Thường Gặp Trong Thanh Toán Quốc Tế Và Cách Xử Lý

Kiến Thức Xuất Nhập Khẩu Tác giả Kiến Thức Xuất Nhập Khẩu 16/12/2024 30 phút đọc

Nhận diện những rủi ro thường gặp trong thanh toán quốc tế từ đó đưa ra các giải pháp khắc phục và xử lý hiệu quả, giúp doanh nghiệp hạn chế tối đa các rủi ro, thiệt hại trong hoạt động thương mại quốc tế. Bài viết dưới đây Kiến thức xuất nhập khẩu sẽ thông tin chi tiết tới bạn những rủi ro thường gặp trong thanh toán quốc tế và cách xử lý hiệu quả.

1. Rủi ro trong thanh toán quốc tế là gì?

Rủi ro trong thanh toán quốc tế xảy ra trong quá trình thực hiện thanh toán quốc tế cho các hợp đồng, giao dịch ngoại thương. Từ những yếu tố phát sinh liên quan đến chính sách pháp luật các bên, sự thiếu minh bạch trong giao dịch giữa các bên tham gia (nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu, ngân hàng, bên trung gian…) biến động về tỷ giá sẽ gây ra những nguy cơ rủi ro tiềm ẩn trong thanh toán quốc tế, ảnh hưởng đến tài chính, uy tín doanh nghiệp.

Rủi ro thanh toán quốc tế luôn luôn thường trực, không bao giờ biến mất. Vì thế việc nhận diện và xử lý các rủi ro giúp hạn chế tối đa các thiệt hại có thể xảy ra, bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp và còn giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Rủi ro trong thanh toán quốc tế liên quan đến pháp luật, văn hóa, phong tục, địa điểm địa lý … khác nhau nên sẽ phức tạp, khó lường hơn với giao dịch thanh toán nội địa.

rui-ro-trong-thanh-toan-quoc-te
 

2. Một số rủi ro trong hoạt động thanh toán quốc tế thường gặp

Thanh toán quốc tế được thực hiện dưới nhiều phương thức hiện đại cùng các quy định chặt chẽ, nhưng không tránh khỏi những rủi ro sau.

2.1 Rủi ro về pháp lý và chính trị

Vì môi trường pháp lý khác nhau, luật pháp khác nhau nên những tranh chấp pháp lý, chính trị xảy ra là không tránh khỏi. Rủi ro trong thanh toán quốc tế về pháp lý, chính trị thường xảy ra do những nguyên nhân sau:

Những chính sách thay đổi đột ngột (cấm vận, lệnh trừng phạt), hay những thay đổi của pháp luật về xuất nhập khẩu.

Quy định pháp lý khác biệt giữa các quốc gia cũng dễ gây ra những hiểu lầm, khó khăn trong việc thanh toán quốc tế, thực hiện hợp đồng.

Sự bất ổn chính trị, xung đột chiến tranh sẽ làm cho quá trình thanh toán bị gián đoạn.

Ví dụ: Một công ty nhập khẩu tại Việt Nam ký hợp đồng mua nguyên liệu từ Iran. Trong thời gian chờ giao hàng, chính phủ Mỹ ban hành lệnh cấm vận đối với Iran, khiến giao dịch thanh toán quốc tế bị đình trệ.

2.2  Rủi ro về tỷ giá hối đoái

Sự thay đổi của tỷ giá ngoại tệ giữa thời điểm ký hợp đồng và thanh toán khiến giá trị hợp đồng bị thay đổi.

Đối với nhà xuất khẩu: Sự dao động của tỷ giá hối đoái có thể làm gián đoạn kế hoạch tài chính của nhà xuất khẩu. Khi tỷ giá giảm, số tiền nội tệ nhận được từ việc chuyển đổi ngoại tệ sẽ ít hơn, gây khó khăn trong việc trang trải chi phí sản xuất và các hoạt động kinh doanh. Đặc biệt, nếu doanh nghiệp đã vay vốn bằng nội tệ để phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu, sự chênh lệch tỷ giá có thể làm tăng áp lực tài chính.

Đối với nhà nhập khẩu: Khi lựa chọn đồng tiền thanh toán khác với đồng tiền quy đổi trong hợp đồng, nhà nhập khẩu phải đối mặt với rủi ro lớn nếu tỷ giá tăng. Điều này dẫn đến chi phí mua ngoại tệ để thanh toán cao hơn so với dự kiến, trong khi giá bán sản phẩm nhập khẩu hoặc chi phí sản xuất không thể dễ dàng điều chỉnh theo sự thay đổi của tỷ giá, gây mất cân đối tài chính.

Đối với ngân hàng thương mại: Các ngân hàng thương mại cũng chịu ảnh hưởng bởi biến động tỷ giá trong quá trình hỗ trợ thanh toán cho khách hàng. Việc quản lý dự trữ ngoại tệ và thực hiện các giao dịch kinh doanh ngoại tệ một cách hợp lý là rất cần thiết để đảm bảo đáp ứng các nghĩa vụ thanh toán. Nếu không cân đối tốt tài sản bằng ngoại tệ, ngân hàng có thể đối mặt với tổn thất đáng kể do sự thay đổi của tỷ giá.

Ví dụ: Một công ty xuất khẩu gỗ tại Việt Nam đồng ý nhận thanh toán bằng EUR. Khi ký hợp đồng, tỷ giá EUR/VND là 26.000, nhưng tại thời điểm thanh toán, tỷ giá giảm xuống 25.000, khiến công ty bị giảm lợi nhuận.

>> Xem thêm: Khóa học xuất nhập khẩu online

2.3 Rủi ro về tín dụng

Đây là rủi ro xảy ra khi một trong các bên tham gia giao dịch không thể thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo thỏa thuận, đặc biệt phổ biến trong phương thức tín dụng chứng từ. Nguyên nhân của rủi ro thanh toán quốc tế này có thể được lý giải như sau:

Người mua không thanh toán đúng hạn hoặc không thanh toán do khó khăn tài chính. Biến động cung - cầu, áp lực cạnh tranh hay thay đổi chính sách có thể dẫn đến việc kinh doanh thua lỗ, và thậm chí là phá sản trước khi hoàn thành nghĩa vụ thanh toán hoặc giao hàng. Khi đó, khả năng thanh toán các nghĩa vụ tài chính bị suy giảm nghiêm trọng hoặc không thể thực hiện.

Việc thiếu thông tin chính xác và đầy đủ về đối tác hoặc dự án cũng là một yếu tố quan trọng dẫn đến rủi ro. Nếu doanh nghiệp không nắm rõ tình hình tài chính, khả năng thanh toán, hoặc uy tín của bên còn lại sẽ dẫn đến rủi ro thanh toán quốc tế rất cao.

Hơn nữa, sự thiếu minh bạch hoặc hiểu biết không đầy đủ về các yếu tố kỹ thuật và hiệu quả kinh tế của dự án được tài trợ cũng dễ dẫn đến những quyết định sai lầm. Đây chính là biểu hiện của tình trạng "thông tin bất đối xứng" trong giao dịch.

Ví dụ: Một nhà xuất khẩu hạt điều tại Việt Nam giao hàng cho đối tác tại Ấn Độ theo phương thức nhờ thu D/A (Documents Against Acceptance). Sau khi nhận hàng, đối tác không thanh toán và tuyên bố phá sản.

2.4 Rủi ro về đạo đức

Rủi ro về đạo đức xảy ra khi một trong các bên cố tình không thực hiện nghĩa vụ của mình, bên người mua đã nhận hàng nhưng cố tình không thanh toán tiền hàng. Rủi ro về đạo đức nằm ở sự uy tín, không trung thực, không tuân thủ các chuẩn mực đạo đức kinh doanh của một hay nhiều bên tham gia. Đây là dạng rủi ro rất khó kiểm soát.

Ví dụ như số tình sử dụng chứng từ giả, khai man, không chính xác về năng lực tài chính, tình trạng pháp lý của mình hay cố tình không kê khai đúng giá trị giao dịch để trốn thuế…  Doanh nghiệp nhập khẩu cố tình đưa ra lý do không hợp lý như mất mát chứng từ, tranh chấp nhỏ về chất lượng để trì hoãn hoặc không thanh toán.

2.5 Rủi ro trong quá trình hoạt động, tác nghiệp

Đây là những rủi ro phát sinh từ các sai sót kỹ thuật do chính các bên tham gia giao dịch gây ra. Các vấn đề thường gặp liên quan đến việc chuẩn bị chứng từ không chính xác hoặc không phù hợp với các quy định và điều khoản đã cam kết, đặc biệt là các yêu cầu của L/C, UCP 600, hoặc các thông lệ quốc tế liên quan. Cụ thể, rủi ro có thể xảy ra ở các bên như sau:

Ngân hàng chuyển tiền: Ngân hàng có thể vô tình thực hiện chuyển tiền cho các hợp đồng không tuân thủ quy định về hạn ngạch nhập khẩu, quản lý ngoại hối, hoặc thậm chí cho các giao dịch giả mạo phục vụ mục đích phi pháp.

Ngân hàng được ủy nhiệm hoặc nhận nhờ thu: Rủi ro xuất hiện khi ngân hàng giao bộ chứng từ cho khách hàng trước khi nhận được thanh toán hoặc chấp nhận thanh toán hối phiếu mà không có sự đảm bảo. Ngoài ra, việc xử lý các chỉ thị thanh toán mơ hồ hoặc không rõ ràng cũng có thể dẫn đến thất thoát tài chính.

Các ngân hàng khác trong giao dịch tín dụng chứng từ: Sai sót trong việc kiểm tra chứng từ hoặc xử lý không đúng quy định có thể khiến giao dịch bị từ chối thanh toán, làm ảnh hưởng đến uy tín của các bên liên quan.

Cần thực hiện các biện pháp sau để hạn chế rủi ro:

Đào tạo nhân viên: Tổ chức đào tạo nắm chắc về UCP 600, Incoterms và các quy định quốc tế.
Kiểm soát nội bộ: Thực hiện quy trình chặt chẽ để hạn chế sai sót.
Ứng dụng công nghệ: Sử dụng hệ thống tự động hóa để giảm rủi ro kỹ thuật.
Hợp tác đối tác uy tín: Làm việc với các đối tác và ngân hàng đáng tin cậy.

>> Xem thêm: Khóa học Thanh toán quốc tế chuyên sâu

3. Rủi ro theo các phương thức thanh toán quốc tế

Các phương thức thanh toán quốc tế phổ biến như T/T (Chuyển tiền điện tử), L/C (Thư tín dụng), D/P (Nhờ thu trả ngay), D/A (Nhờ thu trả chậm), hay Open Account (Ghi sổ) đều có những rủi ro đặc thù. Dưới đây là phân tích chi tiết về rủi ro theo từng phương thức

cac-loai-rui-ro-trong-thanh-toan-quoc-te
 

3.1 Rủi ro về phương thức thanh toán chuyển tiền (TTR)

Phương thức thanh toán chuyển tiền TTR dành cho trường hợp hai bên đã có mối quan hệ hợp tác lâu dài, quen biết nhau. Đây là phương thức có nhiều rủi ro nhất, tuy nhiên đi kèm với nó là ít tốn chi phí nhất.

+ Chuyển tiền trả trước (TT): là nhà nhập khẩu thanh toán trước một khoản tiền cho nhà Xuất khẩu trước khi giao hàng. Rủi ro với nhà nhập khẩu cao hơn, người nhập khẩu thanh toán trước mà không nhận được hàng hoặc nhận hàng không đúng với hợp đồng. Hoặc khó khăn trong việc lấy lại tiền nếu có tranh chấp. Nhà xuất khẩu sẽ ít chịu rủi ro trong trường hợp này.

+ Chuyển tiền sau (TT after shipment): sau khi nhận được hàng thì nhà nhập khẩu mới thanh toán tiền cho nhà xuất khẩu. Rủi ro cao đối với nhà xuất khẩu, không nhận được tiền thanh toán sau khi đã giao hàng do đối tác không thực hiện nghĩa vụ, hoặc đối tác không có khả năng thanh toán. Giao dịch lừa đảo nếu bên nhập khẩu cố tình cung cấp thông tin giả mạo. Trong trường hợp này nhà nhập khẩu ít chịu rủi ro.

Để giảm thiểu rủi ro trong phương thức thanh toán quốc tế TTR này, các bên nên thỏa thuận

- Xây dựng rõ lộ trình chuyển tiền: chuyển bao nhiêu, chuyển vào những thời điểm nào?
- Nên thỏa thuận thời điểm chuyển tiền trùng với thời điểm giao hàng để đảm bảo an toàn cho cả 2 bên.
- Quy định rõ về phương tiện chuyển tiền, chi phí chuyển tiền ai chịu.

3.2  Rủi ro trong phương thức tín dụng chứng từ (L/C)

L/C là phương thức thanh toán mà nhà nhập khẩu sẽ yêu cầu ngân hàng của mình mở một thư tín dụng để cam kết với người thụ hưởng ( là nhà xuất khẩu) sẽ thanh toán, chấp nhận hối phiếu… nếu nhà xuất khẩu xuất trình được bộ chứng từ thanh toán phù hợp với các điều kiện và điều khoản được quy định trong thư tín dụng. Những rủi ro khi sử dụng phương thức Thư tín dụng như sau:

Rủi ro đối với nhà xuất khẩu: Không đáp ứng đúng các yêu cầu về chứng từ theo L/C dẫn đến ngân hàng từ chối thanh toán. Ngân hàng phát hành L/C không đủ khả năng thanh toán (rủi ro tín dụng của ngân hàng) do phá sản hoặc không có uy tín.

Rủi ro đối với nhà nhập khẩu: Thanh toán mà không đảm bảo chất lượng hoặc số lượng hàng hóa vì ngân hàng chỉ kiểm tra chứng từ, không kiểm tra hàng hóa. Rủi ro về hàng hóa được giao đến muộn so với thỏa thuận. Chi phí cao liên quan đến việc phát hành và xác nhận L/C.

3.3 Rủi ro trong phương thức nhờ thu trả ngay (D/P - Documents Against Payment)

Rủi ro đối với nhà xuất khẩu:

Nhà nhập khẩu không chấp nhận thanh toán, dẫn đến việc hàng hóa bị lưu giữ tại cảng gây phát sinh chi phí lưu kho, lưu bãi.
Rủi ro hàng hóa bị hư hỏng hoặc mất giá trị trong thời gian chờ thanh toán.
Rủi ro đối với nhà nhập khẩu:

Phải thanh toán trước khi kiểm tra hàng hóa, nếu hàng hóa không đạt tiêu chuẩn sẽ gây thiệt hại.

Vào năm 2015, một công ty xuất khẩu cà phê tại Việt Nam nhận được một thư tín dụng trị giá 2,5 triệu USD từ một ngân hàng ở châu Phi, với mục đích nhập khẩu cà phê. Thư tín dụng này được gửi qua đường email dưới dạng tệp PDF và không kèm theo xác nhận từ bất kỳ ngân hàng uy tín nào.

Ngân hàng của công ty xuất khẩu tại Việt Nam, sau khi xem xét sơ bộ, đã phát hiện một số điểm bất thường trong nội dung L/C, như tên ngân hàng phát hành không trùng khớp với thông tin đăng ký chính thức và mã SWIFT không hợp lệ. Nghi ngờ đây có thể là một L/C giả mạo, ngân hàng đã cảnh báo công ty xuất khẩu không nên tiến hành giao hàng mà cần xác minh kỹ thông tin của đối tác.

Công ty xuất khẩu sau đó liên hệ với ngân hàng phát hành tại châu Phi nhưng không nhận được phản hồi rõ ràng. Qua quá trình điều tra, công ty phát hiện ra rằng "ngân hàng phát hành" này thực chất không tồn tại, và người mua là một tổ chức giả mạo nhằm lừa đảo. Rất may, nhờ sự thận trọng của ngân hàng, công ty xuất khẩu chưa thực hiện giao dịch, tránh được thiệt hại lớn.

3.4 Rủi ro thanh toán quốc tế với phương thức nhờ thu trả chậm (D/A - Documents Against Acceptance)

Phương thức nhờ thu trả chậm (D/A) là người xuất khẩu gửi bộ chứng từ qua ngân hàng phục vụ mình đến ngân hàng của người nhập khẩu. Ngân hàng này sẽ giao bộ chứng từ cho người nhập khẩu để nhận hàng khi họ chấp nhận thanh toán hối phiếu trả chậm. Tuy nhiên, ngân hàng không chịu trách nhiệm nếu đến hạn mà người nhập khẩu không thực hiện thanh toán, khiến phương thức này tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt đối với người xuất khẩu.

Rủi ro cao Đối với nhà xuất khẩu: Người nhập khẩu không thanh toán khi đến hạn, không đủ khả năng thanh toán. Sau khi chấp nhận hối phiếu, quyền kiểm soát hàng hóa không còn thuộc về nhà xuất khẩu.

D/A đối với nhà nhập khẩu rủi ro khá thấp: nhà nhập khẩu có thể kiểm tra hàng hóa trước khi đồng ý thanh toán, có quyền từ chối thanh toán hối phiếu khi đến hạn nếu phát sinh tranh chấp.

Đối với ngân hàng: Ngân hàng phải thực hiện chính xác theo chỉ dẫn của khách hàng và tuân thủ Quy tắc Thống nhất về Nhờ thu (URC). Nếu ngân hàng tài trợ giao dịch, nguy cơ mất vốn sẽ xuất hiện nếu khách hàng không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

Nhờ thu D/A là phương thức phù hợp khi giữa các bên có mối quan hệ tin cậy, nhưng rủi ro tín dụng và thiếu đảm bảo thanh toán khiến nhà xuất khẩu cần thận trọng khi sử dụng.

3.5 Rủi ro trong phương thức ghi sổ:

Phương thức thanh toán ghi sổ mang lại nhiều thuận lợi cho người mua nhưng tiềm ẩn rủi ro lớn cho người bán.

Thuận lợi cho người mua: Chỉ thanh toán sau khi đã nhận hàng hoặc thậm chí sau khi bán xong hàng hóa, giúp tối ưu dòng tiền.

Thuận lợi cho người bán: Dễ dàng tiêu thụ hàng hóa và duy trì mối quan hệ với khách hàng truyền thống.

Rủi ro cho người bán: Người bán không được đảm bảo thanh toán vì đã chuyển quyền sở hữu hàng hóa mà không có bất kỳ cam kết nợ nào từ người mua. Các yếu tố như quy định kinh tế, chính trị bất lợi hoặc việc chậm trễ thanh toán, thậm chí chây ì từ người mua, có thể khiến vốn bị đọng hoặc mất hoàn toàn.

4. Biện pháp để hạn chế rủi ro trong thanh toán quốc tế

Lựa chọn ngân hàng phục vụ uy tín

Doanh nghiệp nên hợp tác với các ngân hàng có uy tín và kinh nghiệm trong lĩnh vực thanh toán quốc tế. Những ngân hàng này sở hữu đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, có khả năng hỗ trợ doanh nghiệp ở nhiều khía cạnh như:

Tư vấn hợp đồng: Hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng các điều khoản hợp đồng rõ ràng, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế.

Phương thức thanh toán: Giúp doanh nghiệp lựa chọn phương thức thanh toán phù hợp với mức độ rủi ro và nhu cầu của từng giao dịch.

Hỗ trợ lập chứng từ: Đảm bảo bộ chứng từ đầy đủ và chính xác theo yêu cầu của phương thức thanh toán, giảm thiểu khả năng từ chối thanh toán.

Xử lý tranh chấp: Hỗ trợ doanh nghiệp trong các tình huống phát sinh tranh chấp hoặc khiếu nại liên quan đến thanh toán.

Nhờ sự hỗ trợ chuyên nghiệp từ ngân hàng, doanh nghiệp có thể giảm thiểu rủi ro và nâng cao hiệu quả trong hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu.

Tận dụng hỗ trợ từ tổ chức tài chính: Sử dụng bảo hiểm tín dụng xuất khẩu hoặc nhờ tổ chức tài chính bảo lãnh để giảm thiểu rủi ro tín dụng và đảm bảo khoản thanh toán.

Chia sẻ rủi ro qua liên kết tài trợ: Hợp tác với các ngân hàng khác để đồng tài trợ khoản tín dụng quốc tế, phân tán rủi ro và nâng cao độ an toàn cho giao dịch.

Phân tán rủi ro: Đa dạng hóa danh mục tín dụng và đầu tư, đồng thời phân tán giao dịch theo khu vực địa lý để giảm thiểu tổn thất từ rủi ro chính trị hoặc tín dụng.

Những giải pháp này giúp các bên liên quan quản lý rủi ro hiệu quả hơn trong các giao dịch quốc tế.

Những rủi ro thường gặp trong thanh toán quốc tế vẫn luôn hiện hữu. Thanh toán quốc tế vừa là cơ hội vừa là thách thức trong môi trường kinh doanh toàn cầu. Nhận diện và kiểm soát rủi ro hiệu quả giúp doanh nghiệp bảo vệ lợi ích, nâng cao năng lực cạnh tranh và tối ưu hóa giao dịch. Hy vọng Kiến thức xuất nhập khẩu đã giúp bạn chuẩn bị kỹ lưỡng, hợp tác với đối tác uy tín, phòng tránh tốt các rủi ro thường gặp trong thanh toán quốc tế.

>> Xem thêm: 

Điều kiện FCA trong Incoterms 2020

CPT là gì ? Tìm Hiểu Điều Kiện Giao Hàng CPT Incoterms 2020

Xác định giá mua bán hàng hóa theo Incoterms

 

Bài viết trước D/P (Documents Against Payment) Là Gì? Tìm Hiểu Chi Tiết

D/P (Documents Against Payment) Là Gì? Tìm Hiểu Chi Tiết

Viết bình luận
Thêm bình luận

Bài viết liên quan

Thông báo