Các Phương Thức Thuê Tàu Phổ Biến Trong Vận Tải Đường Biển

Kiến Thức Xuất Nhập Khẩu Tác giả Kiến Thức Xuất Nhập Khẩu 08/09/2024 21 phút đọc

Trong xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa bằng phương thức đường biển đang được sử dụng phổ biến. Có rất nhiều loại phương thức thuê tàu để vận chuyển hàng hóa bằng phương thức này. Kiến thức xuất nhập khẩu sẽ phân tích chi tiết về các phương thức thuê tàu phổ biến nhất trong vận tải đường biển, giúp doanh nghiệp đưa ra lựa chọn tối ưu nhất.

1. Các phương thức thuê tàu phổ biến nhất

Vận chuyển hàng hóa bằng đường biển với ưu điểm là chi phí thấp, tiện lợi, linh hoạt, tiện lợi với cả những hàng hóa cồng kềnh, hàng hóa có kích thước lớn… đây là ưu tiên lựa chọn của nhiều doanh nghiệp trong hoạt động thương mại quốc tế.

Có 4 phương thức thuê tàu phổ biến hiện nay bao gồm:

+ Thuê tàu chuyến (Voyage charter)
+ Thuê tàu chợ (Liner Charter)
+ Thuê tàu định hạn (Time charter)
+ Thuê tàu trần (Bareboat charter)

Kiến thức xuất nhập khẩu sẽ phân tích chi tiết để bạn hiểu rõ về 4 phương thức thuê tàu này.

cac-phuong-thuc-thue-tau-pho-bien
 

2. Thuê tàu chuyến (Voyage charter)

Thuê tàu chuyến là phương thức thuê tàu mà người thuê (charter) thuê toàn bộ tàu hoặc một phần tàu của chủ tàu (Shipper Owner) để vận chuyển hàng hóa giữa hai hay nhiều cảng.

Đặc điểm nổi bật của phương thức thuê tàu chuyến.

  • Lịch trình của thuê tàu chuyến thường không được xác định từ trước mà sẽ theo hành trình của người thuê tàu, theo yêu cầu riêng của người thuê tàu.
  • Trong hợp đồng thuê tàu chuyến thường xác định rõ ràng loại hàng hóa, số lượng hàng hóa, cảng đi và cảng đến rõ ràng. 
  • Hàng hóa được vận chuyển thường đồng nhất với nhau, thường là các hàng hóa lớn, cồng kềnh, số lượng nhiều, đặc biệt là dầu mỏ, quặng … thường áp dụng phương thức thuê tàu chuyến.
  • Người thuê sẽ thuê một phần hoặc toàn bộ con tàu.
  • Phương thức thuê tàu này phù hợp với các doanh nghiệp có nhu cầu vận chuyển hàng hóa lớn hoặc hàng hóa theo mùa vụ.
  • Giá cước tùy thuộc vào sự đàm phán, thỏa thuận của 2 bên chủ tàu và người thuê, giá cả biến động mạnh. Các điều khoản khác trong hợp đồng tùy theo 2 bên thỏa thuận.

Ưu điểm của phương thức thuê tàu chuyến:

Rất linh hoạt, có thể thay đổi được: cảng đi, cảng đến, thời gian di chuyển là do người thuê tàu quyết định.

Nếu tàu thuê để chở hàng hóa có kích thước lớn sẽ giúp tiết kiệm chi phí cho chủ hàng.

Giảm thiểu rủi ro về bảo dưỡng tàu: Người thuê không cần quan tâm và chịu trách nhiệm về việc bảo trì hoặc vận hành tàu, chủ tàu sẽ phụ trách nhiệm vụ này.

Nhược điểm của thuê tàu chuyến

  • Giá cước biến động mạnh: Giá cước thuê tàu chuyến có thể biến động theo thị trường, dẫn đến trường hợp chi phí tăng cao vào thời điểm người thuê tàu cần vận chuyển.
  • Chi phí không cố định: giá thuê dựa trên khối lượng hàng hóa, thuê một phần hay toàn bộ tàu tuy nhiên còn có các yếu tố phụ như thời gian neo đậu tại cảng hay chậm trễ có thể làm phát sinh thêm chi phí cho người thuê.
  • Kỹ thuật nghiệp vụ phức tạp hơn các phương thức thuê tàu khác.
  • Không phù hợp với vận chuyển hàng hóa khối lượng nhỏ.

Các hình thức thuê tàu chuyến:

Thuê chuyến một (Single Trip): chỉ di chuyển giữa 2 cảng đi và cảng đích, sau khi dỡ hàng tại cảng đích sẽ kết thúc hợp đồng.
Thuê tàu khứ hồi (Round Trip): người thuê tàu thuê chở hàng hóa đến một cảng khác và tiếp tục chở hàng từ cảng đích về cảng khởi hành.
Thuê chuyến liên tục (Consecutive Voyage): thường xuyên thuê tàu chở hàng từ cảng này đến cảng khác các chuyến nối tiếp nhau.
Thuê khứ hồi liên tục: là hình thức thuê tàu liên tục khứ hồi cả hai chiều.
Thuê khoán: căn cứ vào nhu cầu chuyên chở của hàng hóa của mình chủ hàng sẽ thuê khoán tàu trong thời gian nhất định.

>> Xem thêm: Cách tính chi phí xếp dỡ, thời gian xếp dỡ, và thưởng phạt xếp dỡ trong hợp đồng thuê tàu chuyến

3. Thuê tàu chợ (Liner Charter)

Tàu chợ chạy thường xuyên trên một tuyến đường nhất định để vận chuyển hàng hóa và ghé vào các cảng trong lịch trình đã định trước. Ở phương thức thuê tàu chợ chủ hàng sẽ liên hệ với chủ tàu hoặc đại lý của chủ tàu để thuê một phần của con tàu hoặc có thể là một khoang để đưa hàng từ cảng này đến cảng khác.

Đặc điểm của phương thức thuê tàu chợ

+ Line - lịch trình cố định: Tàu chợ hoạt động theo lịch trình được xác định trước với các tuyến đường và thời gian đã quy định. Hàng hóa sẽ được vận chuyển theo lịch trình ổn định đúng thời gian và lịch trình đã định sẵn.
+ Tốc độ nhanh chạy với tốc độ 18-20 hải lý/giờ, chở được nhiều loại hàng hóa: Tàu chợ chuyên chở nhiều loại hàng hóa khác nhau, cho phép nhiều doanh nghiệp cùng thuê tàu, cùng vận chuyển trên cùng một chuyến tàu.
+ Cước phí tàu chợ ổn định, thường sẽ bao gồm cả chi phí xếp dỡ, được tính theo biểu cước (Tariff) của hãng tàu.

Ưu điểm của phương thức thuê tàu chợ:

- Cước phí thuê tàu chợ ổn định, ít biến động.
- Có tính linh hoạt và chủ động cao cho người thuê tàu.
- Khối lượng hàng nhỏ: Phương thức thuê tàu chợ lý phù hợp với doanh nghiệp có khối lượng hàng hóa nhỏ hoặc vừa, chỉ cần thuê một phần, một khoang trên tàu. 
- Giảm thiểu rủi ro: người thuê tàu không phải chịu các khoản chi phí sửa chữa, bảo dưỡng tàu.

Nhược điểm của phương thức thuê tàu chợ (Liner Charter)

- Thiếu linh hoạt về tuyến đường: tàu chợ hoạt động trên các tuyến đường và cảng cố định, dừng lại ở nhiều cảng theo lịch trình, doanh nghiệp phải điều chỉnh theo lịch trình và tuyến đường của tàu.
- Giá cước cao hơn cho hàng hóa lớn: phù hợp với hàng hóa nhỏ, khối lượng nhỏ, đối với doanh nghiệp có khối lượng hàng hóa lớn, thuê tàu chợ.
- Thời gian vận chuyển lâu: Mặc dù tàu chợ có lịch trình cố định, tốc độ nhanh, nhưng việc giao hàng ở nhiều cảng, nhiều đích đến, có thể bị ảnh hưởng bởi sự chậm trễ tại các cảng, dẫn đến việc giao hàng không đúng thời gian cam kết.

>> Xem nhiều: Các điều khoản hợp đồng thuê tàu dựa trên ví dụ thực tế

4. Thuê tàu định hạn (Time charter)

Phương thức thuê tàu định hạn là phương thức mà chủ tàu cho người thuê tàu thuê để chở hàng hóa trong một thời gian và trong những vùng khai thác nhất định.

Chủ tàu có trách nhiệm bàn giao tàu đảm bảo đủ điều kiện hoạt động an toàn trên biển trong suốt thời gian thuê. Về phía người thuê, họ phải quản lý và vận hành con tàu trong thời gian thuê, đồng thời hoàn trả tàu trong tình trạng kỹ thuật tốt tại cảng vào thời gian đã cam kết.

phuong-thuc-thue-tau-dinh-han
 

Đặc điểm của thuê tàu định hạn

+ Người đi thuê tàu có quyền quản lý và toàn quyền sử dụng con tàu trong thời gian thuê, có thể dùng để chuyên chở hàng hóa hoặc cho thuê lại (sub-charter) theo hợp đồng thuê tàu chuyến hoặc thuê tàu định hạn.

+ Thời gian của phương thức thuê tàu định hạn thường kéo dài trong một khoảng thời gian cố định, có thể từ vài tháng đến vài năm, tùy theo thỏa thuận giữa hai bên..

+ Chủ tàu sẽ chịu các chi phí hoạt động, vận hành liên quan đến tàu, bao gồm lương thuyền viên, bảo trì và sửa chữa tàu, cung cấp nhiên liệu cho các hoạt động thường ngày trên tàu, và các chi phí khác.

+ Người thuê tàu sẽ đảm nhận các chi phí liên quan đến chuyến đi như cảng phí và nhiên liệu. 

+ Hợp đồng thuê tàu định hạn quy định chi tiết: các điều khoản về thời gian thuê, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên, chi phí và trách nhiệm sẽ được 2 bên thỏa thuận, quy định chi tiết tại hợp đồng thuê tàu định hạn (Time Charter Party).

Ưu điểm của phương thức thuê tàu định hạn (Time charter)

+ Sự linh hoạt cao: người thuê tàu định hạn linh hoạt trong việc sử dụng tàu, có thể sử dụng tàu cho nhiều chuyến đi khác nhau mà không cần phải lo lắng về việc quản lý kỹ thuật và bảo trì tàu.
+ Phương thức thuê tàu này phù hợp cho các doanh nghiệp có nhu cầu vận chuyển thường xuyên và ổn định trong một khoảng thời gian dài.

Nhược điểm của phương thức thuê tàu định hạn (Time charter)

Rủi ro từ biến động chi phí: Người thuê tàu định hạn phải tự chịu chi phí nhiên liệu, do đó họ có thể đối mặt với rủi ro về biến động giá nhiên liệu, trường hợp thị trường vận tải giảm, chi phí trên thị trường giảm nhưng người thuê tàu sẽ vẫn phải chịu chi phí đã ký kết ban đầu.

Không phù hợp cho ngắn hạn: Hợp đồng thuê tàu định hạn thường được ký kết trong một khoảng thời gian nhất định (vài tháng đến vài năm), không phù hợp với những doanh nghiệp có nhu cầu ngắn hạn.

Có 2 hình thức thuê tàu định hạn:

Thuê theo thời hạn (Period Time Charter): người thuê tàu sẽ thuê trong thời gian nhất định. Có thể là 3 tháng, 1 năm hay 3 năm,…
Thuê định hạn chuyến (Trip Time Charter): người thuê tàu chỉ thuê một chuyến.

5. Thuê tàu trần (Bareboat charter)

Phương thức thuê tàu trần hay “bareboat charter” hoặc “demise charter” là hình thức thuê tàu trong một khoảng thời gian nhất định, 3 năm - 5 năm. Trong đó người thuê hoàn toàn chịu trách nhiệm tổ chức và quản lý mọi hoạt động của tàu. Người thuê sẽ tự tuyển dụng sắp xếp thuyền viên, cung cấp nhiên liệu, trang bị vật phẩm và đảm bảo vận hành cũng như khai thác tàu một cách hiệu quả.

Đặc điểm của phương thức thuê tàu trần: 

Thời gian thuê dài hạn: hợp đồng thuê tàu trần thường được ký kết trong thời hạn dài vài năm đến chục năm.
Toàn quyền quản lý tàu: Người thuê tàu có toàn quyền kiểm soát và điều hành tàu, bao gồm việc bố trí thuyền viên, bảo dưỡng, cung cấp nhiên liệu và vật phẩm.

Ưu điểm của thuê tàu trần.

+ Người thuê tàu có thể vận hành tàu theo nhu cầu kinh doanh của mình, toàn quyền quyết định các vấn đề về vận hành, cung ứng, sử dụng tàu, quản lý tàu mà không phụ thuộc vào chủ tàu.

+ Linh hoạt trong khai thác: Thuê tàu trần cho phép người thuê điều hành và khai thác tàu theo ý muốn, chẳng hạn sử dụng tàu cho mục đích kinh doanh hoặc cho thuê lại.

+ Với hợp đồng thuê tàu trần dài hạn, người thuê có thể giảm thiểu các chi phí thuê tàu ngắn hạn lặp đi lặp lại và dự trù được các chi phí tốt hơn.

Nhược điểm của phương thức thuê tàu trần.

Người thuê phải chịu toàn bộ trách nhiệm quản lý tàu, bao gồm cả việc bố trí thuyền viên, bảo dưỡng và các hoạt động kỹ thuật, đảm bảo an toàn cho tàu và thuyền viên trên tàu.

Chi phí ban đầu lớn: Việc tổ chức vận hành tàu, từ thuê thuyền viên đến đảm bảo nhiên liệu, bảo trì và bảo hiểm, đều do người thuê tự gánh vác, gây ra chi phí ban đầu lớn.

Kiến thức và kỹ năng cao, trách nhiệm pháp lý lớn: Người thuê phải tuân thủ đầy đủ các quy định pháp lý về an toàn, môi trường và quản lý tàu, có kiến thức đầy đủ để điều hành, quản lý, vận hành tàu.

>> Xem thêm: Vận đơn đường biển Seaway bill

Các Loại Phụ Phí Trong Vận Tải Đường Biển

6. Nên lựa chọn phương thức thuê tàu nào?

Việc lựa chọn hình thức thuê tàu hiệu quả nhất phụ thuộc vào nhu cầu cụ thể của từng doanh nghiệp, dựa vào tính chất hàng hóa, thời gian cần thuê và chi phí vận hành.

Nếu doanh nghiệp có nhu cầu vận chuyển một lần hoặc không thường xuyên: Thuê tàu chuyến là giải pháp hợp lý nhất vì không cần cam kết dài hạn và doanh nghiệp chỉ trả phí dựa trên khối lượng hàng hóa.

Nếu doanh nghiệp cần tàu cho nhiều chuyến đi trong một thời gian nhất định: Thuê tàu định hạn sẽ mang lại sự linh hoạt và ổn định, đặc biệt khi doanh nghiệp muốn kiểm soát lịch trình nhưng không muốn lo lắng về các khía cạnh kỹ thuật của tàu.

Nếu doanh nghiệp có kinh nghiệm và muốn toàn quyền điều hành: Thuê tàu trần là lựa chọn tốt nhất cho doanh nghiệp có khả năng quản lý vận hành tàu và cần sự kiểm soát toàn diện trong thời gian dài.

Trên đây Kiến thức xuất nhập khẩu đã cung cấp thông tin chi tiết về bốn phương thức thuê tàu phổ biến trong vận tải đường biển. Mỗi phương thức đều có những ưu nhược điểm riêng, các doanh nghiệp xem xét nhu cầu thực tế của mình để chọn ra phương thức thuê tàu phù hợp, hiệu quả.

Bài viết trước Nhân Viên Kinh Doanh Xuất Nhập Khẩu Là Làm Gì?

Nhân Viên Kinh Doanh Xuất Nhập Khẩu Là Làm Gì?

Bài viết tiếp theo

Document Fee Là Gì? Tìm Hiểu Phí Chứng Từ Trong Logistics

Document Fee Là Gì? Tìm Hiểu Phí Chứng Từ Trong Logistics
Viết bình luận
Thêm bình luận
Popup image default

Bài viết liên quan

Thông báo